Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Sinh viên - việc làm thêm: Lợi hay hại?

Nhiều SV phải tạm dừng học để đi làm một vài năm rồi học tiếp, sau đó lại thành công hơn những người học thuận lợi, nhưng ra trường "loay hoay" vì chưa xác định rõ "đích" phải tới. 

Nhu cầu làm thêm đối với sinh viên rất lớn. Đa số việc làm thêm đều đem lại ý nghĩa tích cực: Có thêm thu nhập, học hỏi nhiều kỹ năng "mềm" có ích: Tính tự lập, làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, hiểu biết xã hội...
Rèn luyện bản lĩnh

Chuyên viên Phạm Ngọc Minh - VP LĐ-VL cho rằng, ngoài những việc "truyền thống": Gia sư, tiếp thị, phục vụ nhà hàng, quán bar..., SV có thể tìm công việc khác phù hợp. Giữ được bản lĩnh và phong cách năng động, sáng tạo, những SV như thế sẽ thành công trong sự nghiệp.

GĐ của một Cty kinh doanh sách khởi nghiệp khi mới vào đại học. Từ việc mua bán sách cũ, thuê kiốt kinh doanh, anh đã sở hữu một DN với nhiều chi nhánh, đại lý tại các tỉnh... Trường hợp SV nghèo Nga là ví dụ về tìm việc làm thêm sáng tạo. Nhận thấy nhu cầu người giúp việc gia đình rất lớn, bạn chủ động đăng báo làm việc này theo giờ. Ưu điểm chỉ làm theo giờ cố định, tác phong chuyên nghiệp, uy tín, bạn nhận được nhiều đơn hàng. Hiện, Nga là "thủ lĩnh" của một nhóm SV làm việc này.

Vượt thử thách

Đối với đa số SV, "làm" chỉ là "thêm", nhưng không ít SV đi làm vì lý do: Sẽ không duy trì được việc học, nếu không đi làm. Chuyên viên Minh khuyên: Có rất nhiều con đường, nếu không thể đi "đường thẳng", bạn có thể đi đường khác, nhưng cần xác định "đích" đến.

Nhiều SV băn khoăn gặp "tai nạn" khi làm thêm: Bị lợi dụng khi tìm việc làm thêm, công việc ảnh hưởng tới việc học, vướng vào tệ nạn xã hội...

Các chuyên gia cho rằng, không nên chỉ nhìn vào mặt tiêu cực. Nếu bạn luôn ý thức rèn luyện và giữ vững bản lĩnh, sẽ tránh được cạm bẫy, cám dỗ. Còn trường hợp "lỡ"... thì sao? Lời khuyên là: Không chỉ đối với SV đi làm thêm, bất cứ ai trong một lúc nào đó có thể mắc sai lầm hoặc gặp phải những điều không may mắn. Bạn có thể vấp ngã, nhưng quan trọng là biết tự đứng lên.

Viết văn cùng giấc mơ nghề nghiệp.

Sau khi bạn đã đặt ra được mục tiêu cho mình, cam kết để thực hiện nó bạn sẽ thành công. Hãy sử dụng các dữ kiện mà bạn thu thập được. Hướng sự thành công của mình vào những kế hoạch nhỏ hơn; lên một danh sách những kế hoạch nhỏ này vào sổ tay của mình, chuẩn bị cho những mục tiêu sắp đến. 

Viết văn là nghề nghiệp trong mơ của không ít các bạn trẻ ngày nay, nhưng làm thế nào để thoát khỏi cái bóng của những nhà văn lớn là điều không dễ dàng chút nào. Không giống như những gì đang chờ đợi ở phía trước như những nghề nghiệp thông thường khác, bạn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, nhiều khó khăn mà nếu không có sự chuẩn bị, sẽ rất khó để vượt qua được. 

Thật không may là hầu hết những bạn trẻ đang dấn thân vào con đường này đều chưa có một hình dung cụ thể về công việc (nghề nghiệp) này. Có thể họ rất yêu thích những cuốn tiểu thuyết, say mê với những tưởng tượng của mình nhưng làm thế nào để thể hiện được điều đó với mọi thì họ gần như mù tịt! Bởi vì, để có thể viết ra được một điều gì đó, họ không những phải có năng khiếu, niềm say mê, những trải nghiệm, những bài học đớn đau trong cuộc sống mà còn phải biết được những cách thức, những phương pháp cơ bản nhất về nghề này. 

Có một sự thật thế này: Để tiếp cận và thành công với nghề văn hay bất kỳ một nghề nào khác trong thế giới nghề nghiệp, bạn cần phải hành động thực tế chứ không phải chờ đợi mọi thứ tự đến với mình. Bạn có thể làm điều này bằng cách tìm hiểu về thành công của những người đi trước, nguyên nhân của những thành công ấy, cũng như đặc điểm chung của họ và cả cá tính riêng biệt của từng người… 

Vậy đặc điểm chung của những người thành công là gì?
• Họ có nghị lực và niềm tin vào bản thân 
• Họ luôn tin tưởng vào những gì mình đang làm 
• Họ có sự nhạy cảm tuyệt vời 

Vậy cho nên, thay vì cố gắng soi mói vào đời sống của những người thành công, nhiều khi bạn còn cho rằng: “họ là những người may mắn”, hoặc “chắc chắn là họ được một ai đó giúp đỡ”, …mà chúng ta quên đi rằng: Những người thành công kia, họ đã phải làm việc rất vất vả, trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách mới có được những thành công như ngày hôm nay 

Chúng ta không cần biết họ đã làm thế nào để được thành công, chúng ta chỉ cần nhìn vào kết quả cuối cùng. Và, quan trọng hơn là chúng ta cũng muốn có những gì họ đang có, một cách nhanh chóng! 

Có được một nghề nghiệp trong mơ không phải chỉ cần may mắn là đủ. Nó dành cho những ai thật sự muốn và phấn đấu hết mình để có thể có được nó. Không có một phép mầu hay sự kỳ diệu nào ở đây. Bạn hãy làm theo một số bước sau đây và bạn sẽ thành công. 

Vậy thì, làm thế nào để bạn biến giấc mơ nghề nghiệp của mình trở thành hiện thực? Hãy làm theo những bước sau đây: 

1. Niềm tin – chìa khóa của thành công. 

Niềm tin là yếu tố then chốt để quyết định bất cứ thành công của bất cứ một ai, ở bất kỳ một lĩnh vực nào. Đôi khi, đây còn được xem như kim chỉ nam để bạn làm việc. 

Nếu bạn không có niềm tin vào mình, còn ai sẽ tin vào bạn đây? Những người thành công trong nghề nghiệp luôn là những người có niềm tin lớn lao vào các mục tiêu mà họ đặt ra. 

Vậy làm thế nào để trở thành một người có niềm tin? Hãy ngồi xuống với một quyển sổ trước mặt, viết ra những ý tưởng nghề nghiệp và cuộc sống. Vẽ ra những hình ảnh về sự thành công để bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày. Và làm thế nào để “bức tranh” này truyền cảm hứng cho bạn, tác động tích cực đến bạn? Bạn chỉ cần nghĩ về nó mỗi ngày một chút là được. 

2. Tìm kiếm thông tin. 

Khi bạn đã có được niềm tin, hãy tiến hành thu thập các dữ liệu, các thông tin cần thiết về nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Tìm hiểu những bước cụ thể để làm công việc của mình một cách tốt nhất. Bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi bắt tay vào việc thực hiện; bạn có thể tiếp cận từng bước một để biết được đâu là những gì trái tim mình mách bảo, đâu là những gì bạn thực sự mong muốn. 

• Bạn có cần được đào tạo thêm? 

• Bạn có quan tâm đến tiền, hoặc có nghĩ đến việc có một cuộc sống có chất lượng hơn? 

Viết ra những câu hỏi và tự trả lời những câu hỏi ấy. Sau đó, bạn có thể sẵn sàng để thực hiện 

3. Cam kết cho sự thành công của bạn. 
Người thành công sẽ nói: “Tôi sẽ…” Đó là một sự cam kết mạnh mẽ để có được sự thành công cho mình. 

• Quyết định để thành công là một việc, và thực hiện như thế nào còn tùy thuộc rất lớn vào nghị lực của bạn, điều này còn quan trọng hơn cả sự quyết tâm ấy. 

• Bạn đã tìm ra cho mình một hướng đi, một mục tiêu rõ ràng. Và đây là lúc bạn cần hành động để thực hiện những “cam kết” ban đầu ấy. Cơ hội thành công luôn mở rộng cho bất cứ ai – tất nhiên nhất là với những người có khả năng nói và làm, chứ không phải chỉ biết nói mà không biết làm. 

Hãy tìm cho mình một lý do cần phải thành công và làm sao để thấy nó trước khi đi ngủ cũng như mỗi lần bạn bước ra khỏi cửa nhà mình. Đó là cách để nhắc nhở cho bạn nhanh chóng có được công việc mình mơ ước. 

4. Hành động. Đúng lúc, đúng nơi và đúng việc! 

Hãy ưu tiên cho những kế hoạch, những công việc mà bạn thấy xác xuất thành công lớn nhất, dễ dàng nhất. Đồng thời loại bỏ những công việc làm mất thời gian của bạn. 

Sự nghiệp thành công sẽ đến với những năng động và biết biết học hỏi không ngừng. Hãy tiến hành từng bước nhỏ mỗi ngày, và từ những bước nhỏ này sẽ dẫn bạn đến với nghề nghiệp mơ ước của mình trong tương lai.

Mơ hồ với nghề nghiệp

Bộ GDĐT và các trường đã tổ chức các hội thảo giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp, nhưng thường chú trọng đến các trường kỹ thuật, kinh tế và "quên" các ngành xã hội. PGS - TS Trịnh Khắc Thẩm - Phó Hiệu trưởng ĐH Lao động - Thương binh và Xã hội - đánh giá: "Các trường rất khó kết nối với Cty, DN bởi nhu cầu về rất ít. SV ngành xã hội hơi nhút nhát, thụ động khi tìm kiếm việc làm, không chứng tỏ được năng lực trước nhà tuyển dụng". 

Học y để làm bác sĩ, học sư phạm sẽ thành giáo viên... đó là những nghề rất "căn bản" đã được định hướng. Tuy nhiên, nhiều SV học đến năm thứ 4 ĐH vẫn mơ hồ về nghề nghiệp tương lai, chưa xác định được sẽ làm gì với ngành theo học.
Loay hoay khi tốt nghiệp 

Lý do lựa chọn ngành học quyết định nghề nghiệp tương lai của nhiều cô tú, cậu tú rất đơn giản: Tỉ lệ chọi không cao, điểm đầu vào thấp, đến sát ngày nộp hồ sơ mới liều "nhắm mắt đưa tay" điền vội một ngành mà không biết học xong sẽ làm gì. 

Điều này thường xảy ra với SV khối xã hội bởi các ngành học khá "trừu tượng": Nhân học, triết học, xã hội học, Việt Nam học... SV được định hướng sẽ làm việc trong các viện nghiên cứu, nhưng với cách đào tạo (ĐT) hiện nay, các cử nhân tương lai chưa định hình được sẽ nghiên cứu như thế nào. 

N.T.Tiệp - SV năm thứ 4 khoa Việt Nam học, ĐH SP Hà Nội I - cho biết: "Đến năm cuối, chúng tôi đều đăng ký học nghiệp vụ các ngành: Sư phạm, báo chí, du lịch... bởi ít ra cũng biết mình sẽ làm gì. Nhưng thời gian học chỉ có 6 tháng nên không thể bằng SV được ĐT chuyên sâu, thậm chí khi học xong muốn về quê cũng không biết xin việc ở đâu cho phù hợp". 

Ngay cả những SV xuất sắc, theo học các lớp cử nhân tài năng ngành văn học, sử học của Trường ĐH KHXH&NV HN cũng không hình dung được công việc cụ thể. Sau khi TN lớp cử nhân tài năng văn học, Nguyễn Thu Trang muốn đi dạy nhưng các trường chỉ nhận cử nhân sư phạm, Trang đành chọn cách học tiếp cao học để tìm cơ hội trong các viện nghiên cứu, dù rất mong manh. 

Cần ĐT theo nhu cầu 

Theo PGS - TS, các trường xã hội cần được hỗ trợ để định hướng nghề cho SV và năng động hơn để kết nối với DN. Trong tương lai, các cơ quan có thể gửi chỉ tiêu tuyển dụng để các trường ĐT, đáp ứng nhu cầu xã hội, không ĐT tràn lan như hiện tại. 

Tận dụng thời gian thực tập chính là một cách hiệu quả để SV tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Biến kỳ thực tập thành cơ hội để hiểu về công việc là điều không phải SV nào cũng làm được, hầu hết xem thực tập chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Các cơ quan luôn có nhu cầu tuyển người tài, tận dụng cơ hội để học hỏi sẽ giúp SV gây được ấn tượng và làm quen với công việc sớm, hình dung được rõ hơn về việc sẽ làm khi TN.

5 mẹo để tìm việc cho vị trí điều hành

Công cụ này giúp ứng viên nhận ra đúng công ty và lĩnh vực mình quan tâm. Nó thường được sử dụng trong các cuộc gặp, nơi mà bạn có thể chia sẻ với những người bạn quen biết làm trong lĩnh vực này. 

Khi nền kinh tế ngày càng suy yếu và các công ty đang nỗ lực cắt giảm ngân sách thì những vị trí cho giám đốc điều hành hoặc quản lý thực sự dễ bị lung lay hơn bao giờ hết. 

Việc chen chân để có một chỗ đứng trên thị trường nghề nghiệp hiện nay khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây. Bởi thời kỳ khủng hoảng, rất nhiều nhân viên bị sa thải hoặc cắt giảm việc làm, ngay cả những ứng viên giỏi kỹ năng và giàu kinh nghiệm. Chính vì thế, khi muốn xin việc ở vị trí điều hành thì bạn cần phải có những công cụ và chiến lược cần thiết để có thể vượt qua đối thủ cạnh tranh. 

Trong cuốn sách "Executive's Pocket Guide to ROI Résumés and Job Search", Louise Kursmark và Jan Melnik, đã đưa ra một số công cụ giúp những người có tham vọng xin vào vị trí điều hành đạt được mong muốn của mình. 

1. Một bài PR bản thân 
Một bài nói tự PR là một bản tóm tắt khoảng 30 giây giới thiệu về bản thân 

Theo Kursmark and Melnik, những người tìm việc phải thể hiện được 4 yếu tố chính trong bài giới thiệu của mình bao gồm: Họ là ai, họ làm gì, họ đang tìm kiếm gì và những thông tin chính khác có liên quan đến kinh nghiệm hoặc mục tiêu công việc. 

Để nắm được cách phát triển công cụ này, điều quan trọng đối với những người tìm việc là phải biết được khi nào đưa chúng ra sử dụng. Quy luật chung cho tất cả mọi người là hãy chuẩn bị sẵn một bài giới thiệu ngắn gọn bởi chúng sẽ rất có ích khi bạn tham gia vào các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ và các hiệp hội… tất cả những cơ hội mà bạn có thể thể hiện khả năng nói của mình. 

2. Các mối quan hệ 

Mối quan hệ là chìa khóa để tìm kiếm việc mới một cách nhanh chóng và điều đó giải thích tại sao việc có một kế hoạch để phát triển nó thực sự rất quan trọng. 

Trước mắt, những người tìm việc phải đặt ra cho mình câu hỏi xem bạn đang muốn xin vào lĩnh vực nào, các mối quan hệ vốn có và sẽ xây dựng? Bạn có thể phát triển những kỹ năng của mình ở đâu? Những ai trong số những người bạn quen biết quan tâm đến kinh nghiệm và năng lực quản lý của bạn? 

Trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ biết được đối tượng mình cần tạo mối quan hệ rồi xây dựng và phát triển chúng. 

3. Những dữ liệu nổi bật về kỹ năng lãnh đạo 

Một bản dữ liệu từ một đến hai trang là công cụ tương đối mới mà những ứng viên có thể sử dụng để tiếp thị hiệu quả hơn những thành quả và kinh nghiệm lãnh đạo của mình. Cụ thể, nó liệt kê ra từ 3 đến 5 câu chuyện về công việc trong đó miêu tả một tình huống khó khăn và cách mà bạn đã giải quyết vấn đề và đạt kết quả như thế nào. Theo đó, những câu chuyện này sẽ phản ánh đúng những gì mà ứng viên mong muốn đóng góp cho vị trí mới. 

Sau khi đã phác thảo một bản dữ liệu này, bạn có thể sử dụng chúng theo nhiều cách. Bạn có thể gửi chúng sau mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc gặp, hoặc đính kèm theo CV và thư xin việc. 

4. Một tiểu sử chuyên nghiệp 

Tiểu sử là công cụ cung cấp thông tin cụ thể và phong phú hơn về ứng viên (đó có thể là các website cá nhân). Đối với nhà tuyển dụng, chúng được sử dụng như là một công cụ phụ trợ để tìm kiếm ứng viên cho tổ chức. 

5. Một bản tóm tắt về mục tiêu công việc 

Mặc dù tất cả những công cụ tìm việc trên đều rất có ích cho những ứng viên, nhưng Kursmark and Melnik vẫn khuyên rằng, bạn không nên cung cấp quá nhiều thông tin cho nhà tuyển dụng mà "hãy lựa chọn cẩn thận và đưa ra một vài điểm chính khơi gợi sự quan tâm của nhà tuyển dụng về những khả năng của bạn".

Khi mức thu nhập bị tiết lộ...

Ở khía cạnh ngược lại – đó là khi công ty công khai lương bổng của nhân viên. Chị Tuyết làm việc ở một công ty xây dựng cho biết: “Công ty nơi tôi làm việc là công ty nhà nước nên hầu như ai cũng biết mức lương của nhau cả, vì đều theo hệ số lương đã quy định. Và những người có mức lương cao, một phần là đã làm lâu năm, phần khác là những người thực sự giỏi, làm xuất sắc công việc của mình nên đã được tăng lương trước thời hạn hay đột xuất… Đó là những tấm gương để chúng tôi phấn đấu thăng tiến”. 

Tiền lương là một vấn đề vô cùng nhạy cảm ở chốn văn phòng. Cũng chính vì vậy, đây luôn là tâm điểm nóng bỏng, được mang ra bàn luận dù dưới hình thức “công khai” hay “úp úp mở mở”… 

Lương bao nhiêu – cấm tiết lộ!
 

Chị Hương, nhân viên kinh doanh, kể lại câu chuyện “xương máu” của mình về chuyện vô tình tiết lộ mức lương: “Mỗi khi nhớ lại tôi luôn cảm thấy hối tiếc vì mình đã quá thật thà, chẳng suy nghĩ gì lúc nói chuyện mức lương mình đang hưởng. Lần ấy, mấy chị em bạn bè đi ăn cùng nhau, vừa ăn vừa nói chuyện. Một người bạn làm ở một công ty khác hỏi tôi mức lương hiện tại là bao nhiêu, như một phản xạ tôi đã không cần đắn đo suy nghĩ mà… nói “toạc” ra luôn. Sau này tôi mới thấm thía hậu quả từ lời nói thẳng của mình. Vì từ lúc đó trở đi, việc gì người bạn đó cũng “xỏ” tôi rằng: “Lương cậu cao thế còn gì nữa”, “Chuyện đó chẳng là gì so với mức lương của cậu”… Tệ hơn nữa là hầu như ai cũng biết mức lương của tôi… 

Lúc vô tình tiết lộ mức lương của mình, chị Hương không nhớ rằng công ty của chị lâu nay có quy định bất thành văn là phải giữ kín mức lương của mỗi nhân viên. Cũng như công ty nơi chị Hương làm việc, các công ty khác hiện nay thường trả lương cho nhân viên qua tài khoản, nếu trả bằng tiền mặt cũng hạn chế tối đa việc để các nhân viên biết và tìm hiểu thông tin về lương, thưởng của nhau. Tuy vậy, thật khó có thể ngăn cấm “nhu cầu thiết yếu” – tìm hiểu, thậm chí là xem trộm hay dò la để phát hiện lương bổng của đồng nghiệp của một số nhân viên. 

“Tại công ty của mình có quy định rõ ràng là nếu vô tình hay cố ý tiết lộ tiền lương của mình cho người khác biết thì sẽ bị kỷ luật. Và mình cũng nghĩ rằng tự bản thân mỗi nhân viên sẽ không muốn cho người khác biết lương của mình đâu. Có biết thì cũng chỉ mập mờ thôi: Thứ nhất là nếu lương người khác cao hơn mình thì tự động mình sẽ cảm thấy… ghen tỵ, không vui, bất mãn. Thứ hai là sẽ có sự phân bì, so sánh giữa những người cùng chức vụ, công việc. Thứ ba là sẽ sinh ra lòng đố kỵ giữa các nhân viên, mất tình đoàn kết. Chính vì vậy, có nhiều lý do mà mức lương của ai thì người ấy tự biết chứ người khác sẽ khó biết được”, chị Mai, phụ trách truyền thông của một công ty bảo hiểm, phân tích. 

Do quen biết, Trang được nhận vào làm cho một công ty tương đối lớn. Cũng vì quen biết, Trang rất ngại đề cập đến chuyện lương bổng cũng như những khoản ưu đãi khác. Mấy tháng đầu công việc có vẻ “ngon lành” nhưng được một gian sau, Trang bắt đầu cảm thấy mình được trả lương không tương xứng, khi cô vô tình biết được mức lương của cô bạn đồng nghiệp cùng tính chất công việc nhưng lại cao hơn cô rất nhiều. 

Cảm giác “bị bóc lột” khiến Trang chán chường với công việc. Mỗi ngày lên công ty, với Trang, chẳng khác nào là sự ép buộc. Hơn nữa, quan hệ thân thiết với cô bạn đồng nghiệp trở nên không còn như xưa, xen vào đó là cảm giác ghen tỵ, bực bội… Cứ thế, cho đến khi cô không thể chịu đựng được nữa và nộp đơn xin nghỉ việc. 

Như vậy, có thể thấy khi bí mật lương bổng được giữ kín lâu ngày bị bật mí ngay sau đó sẽ có vô vàn những điều… bùng nổ. Đầu tiên là không khí trong phòng làm việc trở nên có vẻ căng thẳng hơn, mọi người dường như e dè nhau hơn với thái độ làm việc lạnh lùng, không hợp tác. Nếu đó là quan hệ giữa nhân viên cũ và mới thì chắc chắn sẽ khó có sự hòa hợp. Nhân viên mới dễ trở nên chán nản và mệt mỏi vì bị đồng nghiệp chèn ép và cô lập, nhân viên cũ thì cảm thấy mình đang bị đối xử bất công… 

“Giấy không gói được lửa”!? 

“Tôi là nhân viên kế toán mới đi làm được khoảng 5 năm. Tôi nghĩ tại sao công ty không công khai chính sách lương bổng để nhân viên không bất mãn và hiểu lầm lẫn nhau. Một gợi mở là nhà quản lý có thể đưa ra một biểu đồ lương cụ thể (cụ thể đến mức nào thì do các nhà quản lý quyết định) qua đó sẽ kích thích tinh thần phấn đấu của nhân viên để đạt được mức lương phù hợp. Bởi theo tôi thì không có cách nào để giấu nhẹm lương của nhân viên mãi được”, chị Hà, làm việc ở một công ty du lịch đề xuất.

5 tuyệt chiêu khiến cấp dưới phải “phục sát đất”

Nhiều lãnh đạo xuất sắc nhất đều nhận thấy rằng không phải lúc nào họ cũng đưa ra được những câu trả lời. Vì vậy phải sẵn sàng lắng nghe người khác nói vì biết đâu đồng nghiệp lại khiến bạn nảy sinh thêm nhiều tư tưởng. Khi bạn trao đổi ngọn ngành với cấp dưới, tức là “3 cây chụm lại thành hòn núi cao”. Từ xưa đến nay, làm việc theo nhóm vẫn luôn đạt hiệu quả nhất. Do đó, phải thường xuyên họp tổ chức để đưa ra các chiến lược, lời khuyên, giải pháp hoàn hảo nhất. Tích cực lắng nghe chủ động khi gặp gỡ tất cả mọi người, nhất là ban quản trị để học hỏi lẫn nhau. 

Không ít người khát khao muốn tạo ra những bước “đột phá” trong công việc, nhất là khi phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Vậy thì 5 tuyệt chiêu sau đây sẽ giúp bạn thực hiện điều đó như mơ, khiến cấp dưới không thể không phục. 

1. Đảm nhiệm tốt cả những công việc “ngoài lề” 

Một trong những cách đơn giản nhất để phân biệt lãnh đạo với cấp dưới chính là tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng đảm nhận cả những công việc khác thực chất không thuộc về mình, để từ đó học hỏi những kỹ năng mới, những thử thách nóng hổi, giúp bản thân dần hiểu rõ quy trình hoạt động cũng như hiện tượng xoay vòng của công ty, đồng thời rút thêm kinh nghiệm bản thân để có khả năng đưa ra chính xác chiến lược khi cần thiết. 

Bạn có thể xuất phát từ những vấn đề nhỏ nhặt nhất, sau đó sẽ thấy rất thoải mái khi làm trưởng ban dự án lớn với nhiều ý tưởng hứa hẹn. 

2. Hãy là một chuyên gia 
Đồng nghiệp có thường xuyên đến xin ý kiến của bạn về chuyện phân công hay thảo luận các giải pháp liên quan đến những vấn đề phức tạp và áp lực không? Họ có mong muốn bạn phản hồi khi trình bày một khung sườn ý tưởng nào không? Nếu đúng như vậy, thì thật là tuyệt vì họ rất tôn trọng khả năng của bạn. Còn nếu không thì bạn phải xem lại chuyên môn của cá nhân mình. 

Một ví dụ cụ thể: Nếu bạn là một lập trình viên, bạn phải am hiểu phần mềm tạo ra và có đầy đủ thông tin nhất về một lĩnh vực hoạt động của công ty để khi cấp dưới thắc mắc, bạn còn có thể giải thích cặn kẽ cho họ hiểu, thì mới đạt hiệu quả cao. 

3. Mở rộng quan điểm 

Hầu hết mọi giám đốc điều hành đều phải vạch ra kế hoạch tác chiến, và bạn cũng nên thường xuyên xây dựng chương trình mới để công ty có thể vươn xa nhất. Nếu vẫn còn phân vân điều gì đó, hãy hỏi cấp cao hơn để nắm bắt triệt để và truyền lại mạch lạc cho cấp dưới. 

4. Luôn là một quân sư “khét tiếng” 

Còn một cách nữa để nâng cao khả năng lãnh đạo chính là trở thành một nhà tư vấn lỗi lạc và uyên thâm. Chắc chắn đồng nghiệp trong công ty sẽ nhiều lúc phải xin ý kiến của cấp trên. Lúc đó hãy lấy bản lĩnh cũng như trải nghiệm công việc để chứng tỏ cho họ biết bạn là người có tài vượt trội. Thực ra khi đóng vai trò quan sư, bạn cũng sẽ thấy bản thân hưng phấn hơn rất nhiều, nhất là khả năng diễn giải, phân tích, thuyết phục, cũng như hợp tác cùng tiến với mọi người. Và làm như thế cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích tinh thần phấn đấu của họ, tăng hiệu suất làm việc. 

5. Lắng nghe và thấu hiểu 

Kỹ năng lãnh đạo không phải một sớm một chiều đã có. Bạn phải luyện tập dần dần để đảm nhiệm và nhập cuộc thật tốt với những thử thách đối mặt phía trước, tự khẳng định bản thân khiến người ta ngưỡng mộ lẫn nể phục không ngớt lời.

Sống chung với “bệnh” ngồi lê đôi mách tại công sở

Có thể bạn sẽ không chịu nổi trước những tin đồn - thường là không đúng về mình như thế này – Nhưng, cho đến khi bước ra khỏi văn phòng của mình, bạn không nên có bất kỳ một thái độ không hay nào. Hãy tự tin với những gì mình đang làm, đang có. Và, cũng có thể nhẹ nhàng nhắc nhở một trong số những người thích đồn thổi kia: hãy cẩn thận, có thể nhân vật chính sắp tới trong những câu chuyện tầm phào này sẽ là anh (chị) đó… 

Ngồi lê đôi mách là vấn đề khá phổ biến của đời sống công sở hiện nay, nó không chỉ xuất hiện trong câu chuyện của các nhân viên nữ mà còn lan sang các đồng nghiệp nam. Những câu chuyện vô thưởng vô phạt này có thể giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng trong chốc lát nhưng đôi khi lại gây ra những hậu quả tai hại. Tuy nhiên, bạn cũng không thể tránh hay loại trừ chúng khỏi nơi công sở trừ phi bạn muốn làm việc một mình. Vậy thì, cách duy nhất lúc này là hãy học cách sống chung với nó mà thôi. 

Làm thế nào để sống chung 

Công ty bạn tổ chức một buổi tiệc cho toàn nhân viên, và vì một lý do nào đó bạn không thể tham dự được. Chuyện gì sẽ xảy ra lúc này? Mọi người sẽ thắc mắc (tất nhiên) và không ngừng hỏi tại sao? Sau đó là hàng loạt các nghi vấn được đặt ra, rằng: tại sao bạn không đi? Bạn đang gặp một vấn đề rắc rối nào đó trong cuộc sống?… Vậy là tự nhiên, bạn vô tình trở thành đề tài “nóng” trong những câu chuyện ngồi lê đôi mách của họ. 

Bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Nhất là khi câu chuyện đang có chiều hướng ngày càng bất lợi cho bạn theo kiểu “tam sao thất bản”, và thái độ của những người tham gia vào câu chuyện này ngày càng trở nên quá quắt? Hãy bình tĩnh. Không được bối rối hay thậm chí là nổi nóng hoặc đi giải thích vấn đề của mình với mọi người – mà dù có muốn bạn cũng không thể gặp để giải bày với tất cả bọn họ. Điều đó chỉ càng làm cho những người nhiều chuyện kia có cớ để thêu dệt nhiều hơn mà thôi. Hãy cố gắng phớt lờ mọi chuyện, chú tâm làm việc của mình thật tốt, nếu cần, bạn có thể nhờ sếp hỗ trợ, … dẹp tan những nghi ngờ kia bằng kết quả công việc thật tốt của bạn, không cần phải tốn thời gian thanh minh làm gì. Suy cho cùng, ngồi lê đôi mách cũng là một phần của sống công sở. Nó sẽ “tan” nhanh chóng một khi đối tượng mà họ đang nhắm đến tỏ ra không quan tâm. 

Đặt mình vào vị trí của người khác 

Tất cả những hành động hoặc lời nói của bạn trong trường hợp này đều có thể gây ra những hậu quả không tốt. Vậy nên, hãy mỉm cười và nhanh chóng quay trở lại với công việc của mình. Không nên tỏ ra buồn bã, u sầu và cũng không cần phải đi chất vấn những người này rằng: Tại sao lại nói bạn như vậy v.v…. 


Thật ra, một vài câu chuyện vô thưởng vô phạt nơi công sở mà không gây tổn hại cho bất kỳ ai cũng là cách để mọi người vui vẻ cùng nhau sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, làm thế nào để cho câu chuyện không đi quá xa, làm ảnh hưởng đến uy tín của người khác thì còn tùy thuộc vào ý thức và bản lĩnh của mỗi người. Nếu bạn đã từng là nạn nhân hoặc… chủ nhân của một trong các câu chuyện kia, nên dừng lại đúng lúc và nhớ: hãy đặt mình vào vị trí của người khác để có những suy nghĩ và hành động đúng mực, tránh gây tổn thương cho nhau.